Tin tức

Vãng cảnh Thiên Bút phê vân

Thật thú vị khi đặt chân lên núi Bút ở TP.Quảng Ngãi. Ngọn núi là biểu tượng cho văn phong, sĩ khí, tinh thần hiếu học của người Quảng Ngãi. Từ trên đỉnh núi thiêng ngắm nhìn trời mây, phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cả một vùng không gian rộng lớn từ khắp các phố phường, làng quê, đặc biệt là ngắm nhìn dòng Trà Giang uốn lượn và núi Ấn sừng sững giữa trời mây...Phát hiện bộ linh vật Linga-Yoni xếp vào loại lớn nhất của văn hóa Chămpa tại núi Bút

Khai quật khảo cổ tại núi Thiên Bút: Phát hiện 103 hiện vậtNúi Bút ở trong lòng TP.Quảng Ngãi, nay thuộc địa phận phường Nghĩa Chánh, xưa thuộc làng Chánh Lộ, phủ Chương Nghĩa. Núi Bút cao 60m, từ thời xa xưa đã là nguồn cảm tác của giới tao nhân mặc khách, bởi lẽ cảnh đẹp nơi đây hiếm có. 

Núi Bút. Ảnh: P.LýTheo Đại Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Ngãi, núi Bút có "... hình núi bốn mặt thấp, mà ở giữa cao vọt lên, trông như cây bút dựng, nên gọi tên thế. Xưa Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh làm tuần phủ Quảng Ngãi đề vịnh "Mười cảnh ở Quảng Ngãi" có một đề là "Thiên Bút phê vân (núi Thiên Bút phê mây)". Ngày xưa từ chân đến đỉnh núi có nhiều cây trâm, bứa, xoài... Dưới chân núi Bút có hòn Nghiên. Bút, nghiên đi liền với nhau, nên người xưa lấy đó làm biểu tượng cho văn phong, sĩ khí, tinh thần hiếu học của người Quảng Ngãi.

 

Men theo con đường mòn, chúng tôi đi bộ lên núi Bút. Núi Bút được mệnh danh là linh sơn, bởi vậy khi đặt chân lên núi, một cảm giác rất đặc biệt. Gió chiều trên đỉnh núi mát rượi. Thú vị nhất có lẽ là từ trên đỉnh núi ngắm nhìn trời mây, phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cả một vùng không gian rộng lớn từ khắp các phố phường, làng quê, đặc biệt là ngắm dòng Trà Giang uốn lượn và núi  Ấn sừng sững giữa đất trời... Nhìn về phía đông dưới chân núi là đầm nước lấp lánh. Từ trên núi Bút mang đến cảm nhận rõ rệt về hồn quê xen lẫn trong phố thị, một không gian yên bình đến lạ ngay trong lòng thành phố.

Từ ngàn xưa, núi Bút đã là một điểm đến linh thiêng và có ý nghĩa đặc biệt trong cộng đồng cư dân. Trên núi Bút có vết tích của người Chăm từ cách đây hàng nghìn năm. Năm 2017, ngành chức năng của tỉnh tổ chức khai quật tháp Chăm trên đỉnh núi Bút, phát hiện hàng trăm hiện vật từ người thiên cổ. Các hiện vật khai quật hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, trên núi Bút có vết tích con đường hành hương của người Chăm. Phía nam núi Bút khi xưa có tháp La Tá, nơi đây giống như nhà nghỉ tập trung của các tín đồ hành hương. Qua nghiên cứu các vết tích quanh khu vực núi Bút có thể nhận định, người Chăm đã di chuyển bằng thuyền để đến tháp núi Bút hành lễ. Quần thể ở tháp núi Bút là vùng thiêng, xung quanh hiện có những địa danh mang tên gọi là "Giàng" như núi Giàng, đá Giàng... 

Theo người Chăm, giàng nghĩa là trời. Người Chăm khi chọn địa điểm xây dựng tháp thì đó phải là linh sơn, có khí mạch về phong thủy. "Người Quảng Ngãi bao giờ cũng tự hào về  núi Bút, núi Ấn và sông Trà. Núi Bút đại diện cho sĩ khí văn nhân ở Quảng Ngãi, là di sản có giá trị đặc biệt. Bởi vậy, tỉnh ta cần phải có giải pháp phù hợp để giữ gìn và phát huy giá trị của núi Bút, bảo vệ trên cơ sở tôn trọng tự nhiên, gìn giữ sự nguyên vẹn để nhân dân trong tỉnh và du khách ở các nơi đến dừng chân nghỉ mát, thưởng ngoạn cảnh đẹp", tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đề xuất.

Núi Bút có ý nghĩa đặc biệt và tuyệt đẹp về phong cảnh là vậy, nhưng tiếc rằng đến nay vẫn chưa phát huy được giá trị để phục vụ nhu cầu của người dân về văn hóa, tâm linh, du lịch... Hy vọng, tỉnh ta sẽ sớm có chủ trương phù hợp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản ngay trong lòng thành phố, đáp ứng được nhu cầu mong đợi lâu nay của người dân trong tỉnh.

Hỗ trợ trực tuyến